Truy xuất nguồn gốc nông sản để phát triển chuỗi giá trị bền vững

Thời gian qua, tỉnh Long An tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, trong đó có việc thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với một số sản phẩm thông qua tem QR code. Đây được xem là tín hiệu khả quan góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Tập huấn nghiệp vụ về truy xuất nguồn gốc nông sản để phát triển chuỗi giá trị bền vững

Theo đó, trong năm 2019 này, chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng nông sản đã hỗ trợ hơn 900.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 7 doanh nghiệp, hợp tác xã đang xác nhận chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ với các sản phẩm, thực phẩm chủ lực của tỉnh như: rau, gạo, thịt bò và các sản phẩm từ bò. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với VNPT tỉnh tổ chức tập huấn dịch vụ VNPT check – giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa – cho các doanh nghiệp, hợp tác xã để nắm biết và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Thịt bò được dán tem truy xuất nguồn gốc

Tem truy xuất nguồn gốc được xem như chứng minh thư của sản phẩm tiêu dùng, mỗi sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp lên thị trường chỉ được cấp duy nhất 1 mã QR code. Người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị chuyên dụng khác để quét, kiểm tra, xác thực các thông tin về nguồn gốc hàng hóa như: quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến bày bán. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc nông sản là xu thế tất yếu để phát triển chuỗi giá trị bền vững và là giải pháp giúp nông sản khẳng định được thương hiệu, chất lượng trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay./.